7/14/2012

Trung Quốc sẽ chinh phục các nước bằng những giá trị gì?


Song Chi. 
Suốt một thời gian dài, song song với nỗ lực phát triển vượt bực về kinh tế, Trung Quốc ra sức xây dựng niềm tin với các nước láng giềng và thế giới bằng những thông điệp về sự trỗi dậy hòa bình-rằng sự phát triển của một đất nước TQ khổng lồ sẽ không có hại cho ai mà chỉ có lợi cho khu vực và thế giới.
Thế giới đã tin tưởng TQ cho đến những năm gần đây, khi sự tự tin có phần quá đáng vào sức mạnh kinh tế cộng thêm tham vọng trở thành một siêu cường có vị trí quan trọng trên toàn cầu và cơn khát dầu, khát năng lượng đã khiến nhà cầm quyền TQ trở nên chủ quan.
Tự cho là đã qua thời kỳ giấu mình chờ thời, đã đến lúc chứng tỏ cho các nước trong khu vực và thế giới thấy được sức mạnh của TQ, nhà cầm quyền TQ đã thi hành hàng loạt chính sách ngoại giao hung hăng, gây hấn.
Từ những sự căng thẳng, xung đột khá thường xuyên giữa TQ với các nước láng giềng đang có tranh chấp về chủ quyền trên vùng biển Đông, qua đó bộc lộ cách hành xử ngang ngược cộng với ngôn từ sặc mùi hiếu chiến trên mặt trận ngoại giao, mặt trận truyền thông của TQ khiến cái nhìn của thế giới về TQ buộc phải thay đổi. Hình ảnh một đất nước TQ hòa bình, thân thiện mà các thế hệ lãnh đạo nhà nước này cố công xây dựng trong mấy thập niên vừa qua đã bị sứt mẻ đi nhiều.
Không những thế, bản chất bá quyền, tham vọng bành trướng từ thời Đại Hán xa xưa, cùng với các thủ đoạn dắt mũi dư luận, gây nhiễu thông tin, kích động tinh thần dân tộc cực đoan, sự xảo trá “nói một đằng làm một nẻo”… mà các nhà nước độc tài nói chung và cộng sản nói riêng rất giỏi, khiến mối họa TQ trở nên nguy hiểm hơn với các nước trong khu vực.
Thật ra, nước lớn nào thì cũng muốn đóng một vai trò quan trọng trên bàn cờ kinh tế chính trị thế giới, thậm chí là vai trò lãnh đạo. Nước lớn nào thì cũng hay hành xử theo kiểu nước lớn, tìm những cách khác nhau để ảnh hưởng, lôi kéo, ràng buộc các nước nhỏ hơn. Nhẹ nhàng, kín đáo thì bằng “quyền lực mềm”-sử dụng con đường kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa… Lộ liễu hơn thì bằng “quyền lực cứng”-sử dụng con đường quân sự, gây chiến tranh, đô hộ, xâm chiếm lâu dài…
Là một nước lớn, TQ, tất nhiên, cũng không là ngoại lệ.
Nhưng vì nóng vội, chủ quan, nhà cầm quyền TQ đã có phần đánh giá sai về nước mình và nước khác. Mà không chỉ nhà cầm quyền, ngay người dân TQ, nhiều người mà tôi có cơ hội tiếp xúc cũng rất tự tin về sức mạnh kinh tế, quân sự của nước mình. Cộng với việc bị “tẩy não” bởi hệ thống giáo dục và truyền thông luôn cố tình kích động tinh thần dân tộc và những tư tưởng sai lệch về sự xuống dốc của Mỹ, sức mạnh đang lên của TQ và TQ sẽ vượt qua Mỹ nay mai, hay việc TQ đang bị Mỹ và thế giới bủa vây, cô lập…khiến người dân có cái nhìn không chính xác về TQ và về thế giới.
Nếu nhà cầm quyền TQ trong thời gian qua có những bước đi sai lầm trong chính sách đối ngoại, nôn nóng muốn chứng tỏ tư cách nước lớn, bắt nạt, o ép các nước khác nhỏ yếu hơn trong những vấn đề có liên quan đến chủ quyền và lợi ích trên biển Đông, thì một bộ phận người dân TQ do bị hướng dẫn dư luận nên cũng đồng tình với chính sách ngoại giao hung hăng, xấc xược, chả coi ai ra gì này. Và khi bị các nước láng giềng nhỏ bé hơn phản ứng, các nước lớn như Mỹ, Nhật, Ấn độ…cũng chả ai tỏ ra tán thành, TQ cư xử như thể họ không hiểu tại sao lại như thế. Tại sao thế giới lại oán ghét TQ, tại sao TQ không có bạn, không có đồng minh v.v…
Bởi đơn giản, là nước lớn, đâu chỉ lớn về diện tích, dân số, túi tiền, thậm chí kể cả sức mạnh quân sự-điều mà hiện nay TQ vẫn còn thua xa vài nước khác, nhất là Mỹ.
Là nước lớn, và nếu muốn các nước nhỏ yếu hơn phải “tâm phục khẩu phục” chấp nhận vai trò siêu cường, đàn anh của mình, TQ còn phải chứng minh nhiều giá trị khác.
Về mặt ngoại giao, đó là giá trị của những chính sách ngoại giao thân thiện, cùng chung sống hòa bình với nhau, hai bên cùng có lợi, và trong tư cách một nước lớn càng phải hành xử cho ra nước lớn, có trách nhiệm hơn với những vấn đề chung của thế giới…
Chứ không phải đường lối chính sách ngoại giao “diều hâu” với tham vọng lâu dài là bành trướng bá quyền trên biển Đông, biến cái của người làm của mình, bất chấp mọi cơ sở về lịch sử và pháp lý. Không phải chính sách ngoại giao nói một đằng làm một nẻo, với các nước láng giềng lúc nào cũng tuyên bố phát triển hòa bình, tình hữu nghị anh em…nhưng hở một chút thì lại dở sức mạnh ra đe dọa, lựa thời cơ lại cướp đất cướp đảo của nước khác, lấn ép từng chút một lãnh thổ lãnh hải trong những hiệp định, hiệp nghị song phương…
Với thế giới, lại càng không phải chính sách ngoại giao vô trách nhiệm, không quan tâm đến những vấn đề chung, những quy ước, nguyên tắc chung, sẵn sàng bắt tay, thậm chí che chở, dung dưỡng cho các chế độ độc tài tệ hại nhất miễn là có lợi v.v…
Về kinh tế, đó là giá trị của chữ Tín trong quan hệ làm ăn thương mại với các nước khác, giá trị của những thương hiệu hàng hóa, chất lượng sản phẩm, tên tuổi và sức mạnh tầm cỡ quốc tế của các tập đoàn kinh doanh lớn, điều mà những nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Anh, Nhật, Đức, thậm chí Hàn Quốc đã xây dựng được.
Trong khi đó nhắc tới TQ người ta chỉ nhớ tới khả năng làm thuê, làm hàng nhái, hàng giả, hàng chất lượng kém, thậm chí độc hại… Không có nước nào lại bị mang tai tiếng nhiều như TQ về chất lượng sản phẩm, thực phẩm, lối làm ăn bất chấp mọi quy ước về đạo đức kinh doanh, quyền sở hữu về trí tuệ/sáng tạo hay hậu quả độc hại cho con người và môi trường…Chưa kể, trong quan hệ làm ăn với các nước thì chỉ biết vơ vét, thu lợi về cho mình, mặc cho nước khác bị thiệt thòi.
Về mô hình thể chế chính trị, cách thức điều hành quản lý quốc gia cho đến những giá trị đạo đức xã hội, TQ sẽ thuyết phục được các nước khác bởi những giá trị gì khi TQ vẫn là một nước đang phát triển, dù nhiều tiền nhưng thu nhập đầu người vẫn thuộc loại thấp, một nước độc đảng độc tài đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề nội tại, những nguy cơ bất ổn thường xuyên?
TQ sẽ thuyết phục được các nước khác bởi những giá trị gì khi trong mọi bảng xếp hạng từ chỉ số tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, thành tựu về nhân quyền, an sinh xã hội, sự an toàn cho người dân, môi trường sống…TQ đều đứng ở những thứ bậc thấp, thua xa các nước tự do dân chủ và phát triển khác? Khi các giá trị nhân văn, đạo đức trong xã hội đã bị cái chế độ độc tài trong bao nhiêu năm bào mòn, hủy hoại?
TQ sẽ thuyết phục được các nước khác như thế nào khi hệ thống mô hình chính trị xã hội của TQ còn chưa chinh phục được chính người Hongkong, người Đài Loan cùng một dòng máu với người Trung Hoa đại lục? Hay người dân Tây Tạng, Tân Cương mà quốc gia của họ đã thuộc về TQ, “là một phần của TQ” theo quan điểm của nhà cầm quyền TQ từ bao nhiêu năm nay?
Ngay cả “quyền lực mềm” đến từ những ảnh hưởng văn hóa từ sách, phim, nhạc…cho đến lối sống, TQ cũng chưa làm được. VN, một nước có số lượng sách tiếng Trung được dịch rất nhiều, có tỷ lệ phim truyền hình TQ chiếm đa số trên các đài trung ương và địa phương, nhưng với đa số người dân bình thường, nhất là giới trẻ, tỷ lệ thích/mê phim Mỹ hoặc phim Hàn, nhạc Mỹ hay nhạc Hàn Quốc…vẫn nhiều hơn, chẳng hạn.
Như vậy TQ sẽ thuyết phục các nước láng giềng, chứ chưa nói đến thế giới, bằng những giá trị nào? Mà khi chưa chinh phục được các nước trong khu vực thì sao đã nghĩ đến chuyện đóng vai trò quan trọng trên thế giới, thậm chí vượt qua Mỹ để lãnh đạo toàn cầu?
Với những lợi thế từ sức mạnh của một nước lớn, dân số đông, có bề dày văn hóa lịch sử phong phú hàng ngàn năm, là một trong những cái nôi văn hóa của nhân loại, sức mạnh ấy của TQ sẽ được khai phóng và nhân lên gấp bội nếu quốc gia này có một mô hình thể chế chính trị tự do dân chủ cho phép mọi giá trị của đất nước, của dân tộc được phát triển mạnh mẽ. Và khi ấy, cộng thêm đường lối chính sách ngoại giao hòa bình, từ bỏ mọi tham vọng về lãnh thổ lãnh hải, một cách tự nhiên, TQ sẽ chinh phục được thế giới mà không cần phải “hùng hổ”, không cần đến sức mạnh quân sự hay túi tiền như hiện nay.

7/13/2012

Trung Quốc diễn trò che giấu dã tâm


Dư luận đang rất bức xúc trước thực trạng “thương lái lừa” Trung Quốc liên tiếp giở chiêu trò lừa gạt nông dân Việt Nam từ củ khoai, trái dứa, đến mua thanh long rồi quỵt nợ, hứa mua dừa giá cao nhưng giờ chót lại tráo trở không mua, mở phòng khám sức khỏe theo kiểu lừa gạt tới khi gặp chuyện lập tức bỏ chốn...

Các phòng khám này ngang nghiên hoạt động sai phép, vô tư lộng ngôn quảng cáo dịch vụ và cũng trắng trợn "chặt đẹp", bòn rút từng đồng của những người bệnh khốn khổ. Nhiều phòng khám đã bị xử phạt, nhưng tiếc rằng, phạt xong thì chuyện đâu vẫn vào đó, sai phạm lại tiếp sai phạm.
Chưa kể trước đó, tàu Việt Nam đang khảo sát, thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Biển Đông liền bị tàu ngư chính Trung Quốc cắt cáp và quấy rối. Rồi tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc vô cớ bắt giam đòi tiền chuộc khi hoạt động gần đảo Hoàng Sa xảy ra khá thường xuyên. Quả là những chuyện quá quắt không thể tin được. 
Bản đồ "Đường lưỡi bò"
Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn ngang ngược mời thầu các lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Đến cả vùng biển vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, Trung Quốc cũng vẽ ra yêu sách đường chín đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò rồi nói rằng họ từng tiến hành khai thác, quản lý khu vực này. Lại còn tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý gồm huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) của Việt Nam...

Những việc làm kể trên của Trung Quốc thật khác xa với điều họ nói. Có câu “Bậc quân tử nói lời biết giữ lấy lời, nói được làm được, nói sao làm vậy. Nếu không, chẳng qua là ngụy quân tử diễn trò để che giấu dã tâm”. 

Phúc Nguyên 

7/10/2012

Phòng khám Trung Quốc, vì sao lộng hành?


Dư luận đang rất bức xúc về thực trạng hành nghề của các phòng khám bệnh có yếu tố nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các phòng khám Trung Quốc.

Các phòng khám này ngang nghiên hoạt động sai phép, vô tư lộng ngôn quảng cáo dịch vụ và cũng trắng trợn "chặt đẹp", bòn rút từng đồng của những người bệnh khốn khổ. Nhiều phòng khám đã bị xử phạt, nhưng tiếc rằng, phạt xong thì chuyện đâu vẫn đóng đó, sai phạm lại tiếp sai phạm.

Hầu hết các phòng khám "có yếu tố nước ngoài" hiện nay đều có những quảng cáo lộng ngôn, vượt quá năng lực, thậm chí ngang nhiên lừa đảo người bệnh bằng những chiêu khuếch trương như "hiện đại nhất", "tiên tiến nhất"… nhằm vào những bệnh nhân mắc nan y hay các bệnh khó nói, thầm kín… Giấy phép có khi chỉ là bắt mạch kê đơn, bốc thuốc nhưng thực tế họ sẵn sàng làm phẫu thuật "không đau, không sưng" và "chữa là khỏi" dù với những bệnh mà cả các chuyên gia đầu ngành cũng chưa dám tuyên bố chữa khỏi. Và, dĩ nhiên dân mắc lừa vô khối. Rất nhiều người rời phòng khám rồi mới thốt lên "sao mà đắt khủng khiếp", còn bệnh tật thì chẳng có cơ sở để yên tâm khi được điều trị với những loại thuốc không rõ tên và nhà sản xuất, khám không có y bạ…
Phòng khám bệnh y học Trung Quốc trên đường Thành Thái, Quận 10
Vậy phải chăng cơ quan chức năng bó tay với các vi phạm này?

Quả thật, như dân gian vẫn nói "tiên trách kỷ". Trách các "lương y" bất nhân cố tình làm trái, lừa đảo bệnh nhân một phần, thì cũng trách cơ quan quản lý bội phần. Theo đánh giá chung thì hầu như việc cấp chứng chỉ hành nghề y dược cho người nước ngoài tại nước ta còn quá nhiều bất cập. Bộ Y tế cho biết trong năm 2011 hầu như không cấp chứng chỉ hành nghề cho người nước ngoài, song số người nước ngoài hành nghề có khi chỉ ở một cơ sở đã lên đến hàng chục người.

Điển hình vào tháng trước, cơ quan chức năng phát hiện tại Phòng khám 59 Khương Trung (Hà Nội)12 người Trung Quốc làm việc tại đây không có giấy phép lao động, cũng như chưa rõ về trình độ chuyên môn nghề y.

Dù đã từng xảy ra nhiều vi phạm, thậm chí nghiêm trọng, thế nhưng các phòng khám nước ngoài vẫn thu hút khách. Dư luận liên tục phản ánh những sai phạm, nhưng các phòng khám vẫn hoạt động, coi thường sức khỏe của người bệnh. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao giữa những thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi đang hiện hữu rất nhiều các cơ sở khám chữa bệnh lớn có uy tín mà vẫn tồn tại những phòng khám chui, những lương y dỏm, mà lại tồn tại trong nhiều năm. Có lẽ trước hết trách nhiệm ấy thuộc về Bộ Y tế. Đã có rất nhiều những lời quảng cáo sai sự thật lại được chính cơ quan quản lý cao nhất về y tế cấp phép. Trên đã vậy, cấp sở còn nhiều chuyện hơn. Và chính sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của quản lý cấp sở dẫn đến việc các cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài qua mặt. Đơn cử như việc cấp phép quảng cáo, chiêu "lừa" nhà quản lý thẩm định một nội dung nhưng đăng quảng cáo một nội dung rất phổ biến. Trong chuyện này có cả sự vô tình tiếp tay của các báo và các "nhà đài".

Và cứ như vậy, khi sự việc đã vượt quá tầm kiểm soát, các cơ quan quản lý mới lại ngẩn ra tự vấn nhau "trách nhiệm thuộc về ai" dù thực tế theo chức năng thì sở y tế chính là cơ quan cấp phép, quản lý, giám sát phòng khám có yếu tố nước ngoài. Và dĩ nhiên, họ cũng có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Nhưng khi cần phải "chịu trách nhiệm" thì họ lại đùn đẩy, né tránh. Sự thiếu trách nhiệm ấy vô hình trung để các phóng khám… nhờn.

Chúng ta đang phát triển nền kinh tế mở, Nhà nước cũng có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế nước ngoài. Nhưng không phải theo kiểu vơ bèo vạt tép, để họ qua mặt, làm sai pháp luật. Tức là chúng ta trải thảm đỏ với những người làm ăn chân chính, nhưng cũng phải nghiêm khắc trừng phạt những kẻ cố ý vi phạm, coi thường kỷ cương, pháp luật Việt Nam. Không thể cứ mãi né tránh, buông lỏng việc xử lý.

Bách Thảo 

Thần đèn cũng bó tay

- Bác có nghe dư luận đang sôi lên chuyện một ông "tây" ba lô ra đường "dẹp loạn" giao thông Hà Nội không?

- Có gì lạ đâu. Trước "tây" thì cũng có rất nhiều người "ta" nghĩa hiệp như vậy rồi. Có anh còn vác cả điếu cày ra làm gậy chỉ huy phân làn đó. Rồi đâu lại vào đấy cả thôi. Thực tế nó thế rồi.
- Thực tế nào?

- Rành rành ra đấy, nhiều người bị ông "tây" chặn lại, rồi họ vẫn vọt đi đó thôi. Có một ông "tây" chứ cả trăm ông "tây" thì cũng bó tay.
- Nghe bác nói mà thấy xấu hổ quá…

- Thôi xin cậu... Đã có biết bao người khi xem đoạn clip ấy và bình luận dùng đến hai chữ "xấu hổ", nhưng chả biết xấu hổ được bao lâu.
- Sao bác cực đoan vậy nhỉ?

- Không hề. Cậu còn nhớ những con phố đã được phân làn giao thông chứ. Con lươn con chạch đàng hoàng nhưng cũng chỉ được những ngày đầu, đến giờ thử hỏi còn mấy ai để ý. Người người đi sai làn đấy, nhưng có thấy ai xử lý?

- Đường Hà Nội không vội được đâu. Văn hóa giao thông là cứ phải từ từ sẽ vào quy củ bác à.

- Xin cậu đừng hô hào suông nữa. Với cái cách thực hiện văn hóa giao thông kiểu hưởng ứng phong trào, tổ chức và quản lý giao thông đánh trống bỏ dùi như hiện nay thì có người "tây" chứ mời cả "thần đèn" cũng bó tay, cậu hiểu không?

7/06/2012

Yêu nước cần có trái tim nóng nhưng cái đầu phải lạnh


Không hiểu việc Trung Quốc có những hành động lấn lướt quá đáng đối với Việt Nam có phải là lý do chính nổ ra cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc ngày 1-7. Hay đây chỉ là cái cớ  để các thành viên thuộc phái “chống nhà nước” tha hồ khuếch trương các khẩu hiệu có ý chỉ trích chính quyền. Đồng thời tự phong cho mình cái quyền đại diện cho tiếng nói người dân để hô hào lòng yêu nước. 

Nghĩ đi nghĩ lại, tôi tự hỏi và mãi vẫn không tìm được chỗ nào cho thấy họ đang đại diện cho nhân dân để nói những từ đại ngôn đó. Thực tế, chúng ta dễ dàng nhận ra lẫn trong hàng ngũ người biểu tình là sự xuất hiện liên tục của những gương mặt “thích biểu tình”. Luôn chăm chăm lồng ghép các nội dung chống phá Nhà nước để đạt được mục tiêu chính trị của họ. Bằng chứng là trong lần biểu tình này, các biểu ngữ chống Trung Quốc tuy nhiều, nhưng lại hết sức khiêm tốn về hình thức. Thay vào đó là sự bành trướng của các biểu ngữ kiểu: “Hãy hành động xứng đáng với tiền thuế của dân”... 
các biểu ngữ chống Trung Quốc tuy nhiều, nhưng lại hết sức khiêm tốn về hình thức
Trong các mô tả này, lực lượng chức năng là “những kẻ bán nước”, còn những người bị khống chế và cách ly khỏi hoạt động biểu tình như yếu tố bất ổn tiềm tàng thường được tôn vinh như những anh hùng... Sau cùng khi cuộc biểu này kết thúc chỉ cần lướt qua hàng loạt các trang mạng, blogger... Trái với mục đích ban đầu của cuộc biểu tình là phản đối Trung Quốc, kêu gọi lòng yêu nước của nhân dân, đổi lại chỉ là những dòng comment phản hồi với luận điệu đả kích chính quyền. Tới đây, hẳn chúng ta cũng nên đặt dấu chấm hỏi cho mình?

Tôi không nói hoặc chỉ trích quan điểm “bên phải hay bên trái”. Tôi chỉ thấy rằng, nếu chúng ta đánh đồng “yêu nước” là “biểu tình” thì trúng ý của bọn giặc rồi. Vì nếu đơn thuần biểu tình chống Trung Quốc thì có lẽ chính quyền đã không cấm. 
sự bành trướng của các biểu ngữ kiểu: “Hãy hành động xứng đáng với tiền thuế của dân”... 
Bằng chứng là trong phiên họp Quốc hội ngày 25/11/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã “đề nghị xây dựng Luật biểu tình, chủ trương của chính phủ khi dân bày tỏ lòng yêu nước”. Mới đây thôi, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã đồng tình ủng hộ HĐND TP ra Nghị quyết phản đối Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Tuy nhiên ông cũng lưu ý việc phản đối cần đúng mực, bảo vệ chủ quyền nhưng không gây căng thẳng vì sẽ không có lợi mà cần giữ bình yên, ổn định để phát triển. Đặc biệt là không nên kích động hằn thù dân tộc. Ông ví von, cả ngàn năm nữa thì Việt Nam - Trung Quốc vẫn phải ở sát bên nhau chứ không... di dời, giải toả đi chỗ khác được. Vì vậy cần nhớ ý nghĩa lời cha ông ta đã dạy: Bán bà con xa mua láng giềng gần!". 
Yêu nước đôi khi là những việc rất giản dị. Đó là khi mình đứng hát quốc ca mà cảm nhận được sự thiêng liêng của lá cờ và lời ca, là giây phút thấy anh lính mắt đắm nhìn về phía biên giới, là cậu bé hồn nhiên ca ngợi Bác Hồ, là những nụ cười khi kể về đất nước mình với bạn bè thế giới...

Bạch Dương 


7/04/2012

“Lưỡi dao” biểu tình: Chơi không cẩn thận thì đứt tay


Biểu tình ở Việt Nam, liên quan đến các xung đột trên biển Đông diễn ra theo một kịch bản gần như không đổi kể từ 2007.

Mô típ lặp lại và thông điệp ngầm

Bao giờ cũng vậy, các cuộc biểu tình đều bắt nguồn từ việc Trung Quốc có hành vi xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam (1). Sau đó, Nhà nước lên tiếng phản đối để thông báo cho toàn dân biết điều này. Trong dư luận hình thành làn sóng phẫn nộ với hành động hỗn xược của Trung Quốc, người dân có nhu cầu biểu thị tình cảm ái quốc và biểu tình là một lựa chọn. Hào hứng với cách thức này nhất là nhóm những người có tư tưởng chống đối nhà nước. Đây cũng là thường là nhóm tích cực kêu gọi tổ chức biểu tình (2). Tiếp đó, các cuộc biểu tình (thường có hơn một cuộc) diễn ra với sự tham gia của cả phái “chống nhà nước” – và những người – tạm gọi là phái “thân nhà nước” – ghét Trung Quốc, nhưng không chống chế độ.
Trong các cuộc biểu tình này, mọi người thường hô các khẩu hiệu chống Trung Quốc mạnh mẽ như “Trung Quốc, hàng xóm to xác xấu bụng”, “Trung Hoa vĩ đại, xử sự tầm thường”, “Biển Đông của chúng ta không phải ao nhà của nó”… (Có những khẩu hiệu nặng nề hơn theo “style” của những năm 1980 không hợp lắm với tình hình biển đảo nên người viết không nêu ra ở đây). Tuy ít, nhưng các khẩu hiệu cũng được viết bằng tiếng nước ngoài (tiếng Anh và tiếng Trung) như “Say NO to U-line, Say YES to UNCLOS”, China, stop invading Vietnam, Paracel Islands & Spratly Islands belong to Vietnam… Các khẩu hiệu này, đôi khi, còn sai chính tả hay ngữ pháp. Ví dụ như nhà báo Xuân Bình từng diễn tả khẩu hiệu “Paracel Islands & Spratly Islands belong to Vietnam” rất đơn giản là “Hoang Sa, Truong Sa of Vietnam”.

Trong các cuộc biểu tình, những người thuộc phái “chống nhà nước” luôn chăm chăm lồng ghép các nội dung chống Nhà nước để đạt mục đích chính trị của họ. Ví dụ, năm 2007, sinh viên Kim Duy (người tự xưng là cháu ngoại ông Kim Ngọc, cố bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc) đã trưng bức tranh châm biếm cả Trung Quốc lẫn Nhà nước Việt Nam. Năm 2011, người ta trưng biểu ngữ “Vì đâu nên nỗi?”. Còn năm 2012 là biểu ngữ “Hãy ‘hành động’ xứng đáng với tiền thuế của dân”…

Điểm thú vị ở chỗ, các cuộc biểu tình luôn diễn ra vào chủ nhật, ngày mà mọi người được nghỉ – gồm cả lực lượng chức năng – bất chấp sự kiện khơi mào cho nó diễn ra từ đầu tuần, thậm chí tuần trước nữa. Ban đầu, các cuộc biểu tình này được tạo điều kiện và diễn ra êm thấm. Lực lượng chức năng không can thiệp, không để xảy ra va chạm. Thậm chí, ở Hà Nội, họ còn phân luồng giao thông để đoàn người biểu tình tuần hành qua các con phố, hoặc đi trên vỉa hè (năm ngoái) hoặc đi dưới lòng đường (năm nay). Đến gần trưa thì đoàn người biểu tình tự giải toán hoặc được thuyết phục giải tán.

Tuy nhiên, khi biểu tình tái diễn nhiều lần, nó không nhận được những ưu đãi như thế nữa. Các lực lượng chức năng thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ để giải tán từ rất sớm. Họ phân tách đoàn người biểu tình thành các nhóm nhỏ, thuyết phục và đôi khi cưỡng chế đối với những người muốn tiếp tục biểu tình (thường là người phái “chống nhà nước”).
Một số ý kiến cho rằng, qua hành động của lực lượng chức năng có thể đoán được thái độ của Nhà nước với hoạt động biểu tình. Khi có sự ủng hộ ngầm, các lực lượng chức năng đảm bảo cho biểu tình được diễn ra suôn sẻ. Khi không “bật đèn xanh”, biểu tình nếu được khơi lên thì cũng diễn ra rất ngắn ngủi. Năm 2011, lần đầu tiên Thông tấn xã Việt Nam phá tan sự im lặng vốn có của truyền thông Nhà nước với các cuộc biểu tình bằng cách gọi đây là hoạt động tự phát, “tụ tập để thể hiện lòng yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc”. Dù không công nhận, hoặc chỉ công nhận ở mức thấp như trên, nhưng với nhiều người, rõ ràng Nhà nước đã có động thái ủng hộ biểu tình bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.

Với thông điệp được cho là kín đáo này, phái “thân nhà nước” khá nhạy cảm. Khi nhận biết, họ tự nguyện giải tán hoặc không tham gia ngay từ đầu. Còn những người thuộc phái “chống nhà nước” luôn tìm cách kéo dài các cuộc biểu tình và cách chống lại sự điều hành trật tự trị an. Đôi lúc sự lì lợm này đã gây ra các vụ đụng độ. Năm 2011, một người biểu tình tên Đức, sống ở khu ĐH Bách Khoa, Hà Nội bị một người khác – mặc thường phục – đạp vào mặt. Những sự vụ như vậy, dù chẳng ăn nhằm gì với hoạt động trấn áp biểu tình ở nước ngoài, được phái “chống nhà nước” và các đài báo phương Tây hướng địa phương ưu tiên thổi phồng, cốt đào sâu ngăn cách giữa người biểu tình với lực lượng chức năng và làm xấu hình ảnh Nhà nước.

Trong các mô tả của phái này, lực lượng chức năng là “những kẻ bán nước”, còn những người bị khống chế và cách ly khỏi hoạt động biểu tình như yếu tố bất ổn tiềm tàng thường được tôn vinh như những anh hùng. Năm 2007, một em học sinh tên Huyền Hương bị tạm giữ (không quá nửa ngày) được báo đài Hải ngoại vinh danh là “xứng danh con cháu Bà Trưng – Bà Triệu”. Còn trong năm 2011, một người phụ nữ nên tên Minh Hằng được phái “chống nhà nước” bầu chọn là “nhân vật của năm”. Người này từng hùng hồn tuyên bố yêu nước bằng cả “máu trên và máu dưới”. Trên hai vai bà ta còn săm chữ “nợ nước” – “thù nhà” (sau người ta mới hiểu ý nghĩa cao siêu của mấy chữ đó là “cục nợ của đất nước” và “kẻ thù của gia đình”).

Tóm lại: Đầu tiên Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, Nhà nước lên tiếng phản đối, phái “chống nhà nước” nhân dịp kích động biểu tình. Biểu tình nổ ra với sự tham gia của “chống nhà nước” lẫn “thân nhà nước”. Trong khi “thân nhà nước” biểu tình trong khuôn khổ thì phái “chống nhà nước” luôn tìm vượt quá, gây rối và chống lại người thi hành công vụ. Các năm 2007, 2011, 2012 đều diễn ra như vậy.
Con dao hai lưỡi

Những sự kiện hiếm hoi như vậy trong đời sống chính trị – xã hội Việt Nam sẽ luôn được truyền thông quốc tế săn đón. Trong khi các xuất bản phẩm hướng địa phương (BBC, RFA, RFI tiếng Việt…) tìm cách khoét sâu quan hệ Nhà nước – người biểu tình thì các xuất bản phẩm quốc tế (tiếng Anh) thường tập trung vào những mâu thuẫn giữa Việt Nam – Trung Quốc và đặt nó trong bối cảnh địa chính trị khu vực. Trong đó, Trung Quốc được mô tả như kẻ bắt nạt to xác. Bị phản đối, vì những hành vi sai trái, dù ở đâu, cũng là mất thể diện, đây là điều tối kỵ với một quốc gia đang tô vẽ cho mình sự “trỗi dậy hòa bình” như Trung Quốc.

Bên cạnh nỗ lực đa quốc tế hóa đề biển Đông, hiện đại hóa quân đội để tạo thế răn đe (thậm chí, bí mật thực thi các biện pháp vũ lực bảo vệ chủ quyền), đầu tư nhiều tiền của cho các đảo tiền tiêu ở Trường Sa, việc thả cho cuộc biểu tình đầu tiên nhưng lại thu hẹp dần các cuộc biểu tình tiếp theo, Nhà nước Việt Nam vừa xả bớt sự giận dữ của dư luận trong nước đối với các hành vi gây hấn của Trung Quốc, vừa làm bẽ mặt Bắc Kinh trước cộng đồng quốc tế nhưng lại không cho nước này cái cớ leo thang.

Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình là hàn thử biểu thăm dò thái độ của người dân, nhất là tầng lớp thanh niên, tới các vấn đề quốc gia đại sự cũng như sự tin tưởng đối với chế độ và cả mẫn cảm công dân của họ. Thông qua các cuộc biểu tình, tinh thần ái quốc và lòng tự hào dân tộc được lan tỏa mạnh mẽ, giống những gì mà BBC mô tả về cuộc biểu tình năm 2007 – người viết không nhớ chính xác nhưng đại ý là – “lần đầu tiên, tình cảm ái quốc của thanh niên xứ này vốn chỉ thể hiện qua các giải bóng đá có đội tuyển quốc gia tham dự, nay đã chuyển sang vấn đề trọng yếu của an ninh quốc gia”.
Trên mạng còn có những tranh cãi bất tận về việc “nên hay không nên tham gia biểu tình”. Trong số những người trả lời không, ngoài người bàng quan, số còn lại đặt trọn niềm tin chính trị của họ vào sự chỉ đạo (ra mặt) của Nhà nước. Những người trả lời có, ngoài phái “chống nhà nước”, là những người muốn giải tỏa tâm lý chống Trung Quốc, biểu lộ tinh thần yêu nước của họ một cách công khai. Bên cạnh đó, cũng có người băn khoăn giữa hai dòng nước vì đi biểu tình ở Việt Nam vẫn là điều nhạy cảm (bởi chưa có văn bản luật tạo hành lang pháp lý thực hiện hoạt động này). Thêm vào đó, nỗi sợ “bị lợi dụng” như con ngáo ộp ám ảnh nhiều người. Dù vậy, những người tham gia biểu tình từng thể hiện “sức đề kháng khá cao” với các âm mưu lợi dụng. Năm 2007, trong cuộc biểu tình thứ hai (16/12), các thành viên diễn đàn Tathy đã đá đít, tống cổ (theo nghĩa đen của những từ này) Phạm Hồng Sơn, một nhân vật bất đồng chính kiến khỏi đoàn biểu tình. Họ biết, sự xuất hiện của Sơn không đảm bảo an toàn cho cuộc tuần hành của những người yêu nước chân chính. Tuy nhiên, “sức đề kháng” là một đại lượng biến thiên. Trong cuộc biểu tình 1/7/2012, sự thiếu vắng các thành viên phái “thân nhà nước” là dịp để phái “chống nhà nước” lấn lướt và trương các khẩu hiệu có ý chỉ trích Nhà nước. (Trong lần biểu tình này, các biểu ngữ chống Trung Quốc tuy nhiều, nhưng lại hết sức khiêm tốn về hình thức).

Từ những ghi nhận trên đây, có thể đưa ra một số nhận định, biểu tình ở Việt Nam liên quan đến xung đột trên biển Đông là chuỗi những “kích thích – đáp ứng” đi từ đối ngoại tới đối nội. Nhà nước, vì muốn kiềm chế sự hung hăng Trung Quốc nên đã để vài cuộc biểu tình diễn ra (thường chỉ là cuộc biểu tình đầu tiên). Phái “chống nhà nước” thường nhân cơ hội này để lồng ghép các nội dung chỉ trích Nhà nước và nỗ lực kích động tăng số lần biểu tình, gây rối, phá hoại trật tự trị an, tiến tới bạo loạn lật đổ. Một phần, do thái độ cực kỳ năng nổ của phái “chống nhà nước” đối với biểu tình, một bộ phận dân chúng mạnh dạn hơn thể hiện nhu cầu bày tỏ quan điểm chống Trung Quốc. Khi tham gia các hoạt động này, họ có thể tỉnh táo và làm chủ tình hình như những gì diễn ra hồi năm 2007 nhưng nếu không đủ lượng để biến đổi thành chất, họ dễ bị bất lực và chìm nghỉm trong chuẩn bị, tính toán và lấn lướt như những gì diễn ra ngày 1/7 vừa rồi.

Tựu chung lại, biểu tình là công cụ điều tiết của Nhà nước để đối phó với Trung Quốc nhưng lại là một con dao dễ làm đứt tay người sử dụng. Nếu như những lần trước, bài “thả cho biểu tình lần đầu, ngăn các cuộc biểu tình lần sau” phát huy hiệu quả công kích Trung Quốc, thì đến nay, nó cần thêm chất xúc tác để bảo đảm biểu tình diễn ra mà Nhà nước không chịu cảnh gậy ông đập lưng ông.

SIMACAI (Bài viết của tác giả Simacai gửi REDS.VN)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: nền tảng phát triển bền vững là kiên định mục tiêu đã đề ra


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định: Tiếp tục kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra từ đầu năm: ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát không chỉ cho năm nay mà cho cả những năm sau, coi đây là nền tảng để phát triển bền vững.

Trong hai ngày từ 2 - 3.7, Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 6.2012 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Chính phủ khẳng định, dù chưa hài lòng về kết quả, nhưng nhìn lại 6 tháng qua, những mục tiêu lớn về kinh tế đã đề ra đều đạt được. Nổi bật nhất là sự vững chắc về vĩ mô của nền kinh tế. Lạm phát đã được kiềm chế một cách hiệu quả. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2012, tính đến hết tháng 6-2012, chỉ số này mới tăng 2,52% so với tháng 12-2011 và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là cơ sở để khẳng định lạm phát năm nay có thể ở mức 7-8%. Đây cũng là cơ sở tạo dư địa cho việc thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm giảm chi phí lãi vay vốn trong những tháng còn lại của năm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm cho thấy triển vọng 6 tháng cuối năm
sẽ có tăng trưởng, chuyển biến tốt hơn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định: Trong những tháng cuối năm 2012, quan điểm nhất quán là vẫn kiên định các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, chưa thay đổi, điều chỉnh bất cứ mục tiêu nào.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ cho năm 2012 mà còn cho cả các năm tiếp theo.

Đồng thời tập trung duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 5,2%-5,7%), duy trì tăng trưởng hợp lý nhưng phải đạt yêu cầu không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, làm lạm phát cao trở lại; không vì tăng trưởng mà để lạm phát cao cho những năm tiếp theo.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng tín dụng, giải ngân cho hết số vốn đã bố trí. Ưu tiên tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; sản xuất hàng xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; thực hành tiết kiệm triệt để, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa.

Bạch Dương 

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger