7/10/2012

Phòng khám Trung Quốc, vì sao lộng hành?


Dư luận đang rất bức xúc về thực trạng hành nghề của các phòng khám bệnh có yếu tố nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các phòng khám Trung Quốc.

Các phòng khám này ngang nghiên hoạt động sai phép, vô tư lộng ngôn quảng cáo dịch vụ và cũng trắng trợn "chặt đẹp", bòn rút từng đồng của những người bệnh khốn khổ. Nhiều phòng khám đã bị xử phạt, nhưng tiếc rằng, phạt xong thì chuyện đâu vẫn đóng đó, sai phạm lại tiếp sai phạm.

Hầu hết các phòng khám "có yếu tố nước ngoài" hiện nay đều có những quảng cáo lộng ngôn, vượt quá năng lực, thậm chí ngang nhiên lừa đảo người bệnh bằng những chiêu khuếch trương như "hiện đại nhất", "tiên tiến nhất"… nhằm vào những bệnh nhân mắc nan y hay các bệnh khó nói, thầm kín… Giấy phép có khi chỉ là bắt mạch kê đơn, bốc thuốc nhưng thực tế họ sẵn sàng làm phẫu thuật "không đau, không sưng" và "chữa là khỏi" dù với những bệnh mà cả các chuyên gia đầu ngành cũng chưa dám tuyên bố chữa khỏi. Và, dĩ nhiên dân mắc lừa vô khối. Rất nhiều người rời phòng khám rồi mới thốt lên "sao mà đắt khủng khiếp", còn bệnh tật thì chẳng có cơ sở để yên tâm khi được điều trị với những loại thuốc không rõ tên và nhà sản xuất, khám không có y bạ…
Phòng khám bệnh y học Trung Quốc trên đường Thành Thái, Quận 10
Vậy phải chăng cơ quan chức năng bó tay với các vi phạm này?

Quả thật, như dân gian vẫn nói "tiên trách kỷ". Trách các "lương y" bất nhân cố tình làm trái, lừa đảo bệnh nhân một phần, thì cũng trách cơ quan quản lý bội phần. Theo đánh giá chung thì hầu như việc cấp chứng chỉ hành nghề y dược cho người nước ngoài tại nước ta còn quá nhiều bất cập. Bộ Y tế cho biết trong năm 2011 hầu như không cấp chứng chỉ hành nghề cho người nước ngoài, song số người nước ngoài hành nghề có khi chỉ ở một cơ sở đã lên đến hàng chục người.

Điển hình vào tháng trước, cơ quan chức năng phát hiện tại Phòng khám 59 Khương Trung (Hà Nội)12 người Trung Quốc làm việc tại đây không có giấy phép lao động, cũng như chưa rõ về trình độ chuyên môn nghề y.

Dù đã từng xảy ra nhiều vi phạm, thậm chí nghiêm trọng, thế nhưng các phòng khám nước ngoài vẫn thu hút khách. Dư luận liên tục phản ánh những sai phạm, nhưng các phòng khám vẫn hoạt động, coi thường sức khỏe của người bệnh. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao giữa những thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi đang hiện hữu rất nhiều các cơ sở khám chữa bệnh lớn có uy tín mà vẫn tồn tại những phòng khám chui, những lương y dỏm, mà lại tồn tại trong nhiều năm. Có lẽ trước hết trách nhiệm ấy thuộc về Bộ Y tế. Đã có rất nhiều những lời quảng cáo sai sự thật lại được chính cơ quan quản lý cao nhất về y tế cấp phép. Trên đã vậy, cấp sở còn nhiều chuyện hơn. Và chính sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của quản lý cấp sở dẫn đến việc các cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài qua mặt. Đơn cử như việc cấp phép quảng cáo, chiêu "lừa" nhà quản lý thẩm định một nội dung nhưng đăng quảng cáo một nội dung rất phổ biến. Trong chuyện này có cả sự vô tình tiếp tay của các báo và các "nhà đài".

Và cứ như vậy, khi sự việc đã vượt quá tầm kiểm soát, các cơ quan quản lý mới lại ngẩn ra tự vấn nhau "trách nhiệm thuộc về ai" dù thực tế theo chức năng thì sở y tế chính là cơ quan cấp phép, quản lý, giám sát phòng khám có yếu tố nước ngoài. Và dĩ nhiên, họ cũng có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Nhưng khi cần phải "chịu trách nhiệm" thì họ lại đùn đẩy, né tránh. Sự thiếu trách nhiệm ấy vô hình trung để các phóng khám… nhờn.

Chúng ta đang phát triển nền kinh tế mở, Nhà nước cũng có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế nước ngoài. Nhưng không phải theo kiểu vơ bèo vạt tép, để họ qua mặt, làm sai pháp luật. Tức là chúng ta trải thảm đỏ với những người làm ăn chân chính, nhưng cũng phải nghiêm khắc trừng phạt những kẻ cố ý vi phạm, coi thường kỷ cương, pháp luật Việt Nam. Không thể cứ mãi né tránh, buông lỏng việc xử lý.

Bách Thảo 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger