“Chúng ta rất bất bình vì hai bên đã có nhiều thỏa thuận cấp cao và có được thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc. Nào ngờ thỏa thuận một đàng, Trung Quốc lại hành động một nẻo. Tự họ đã xóa sạch cam kết dù chúng ta rất thiện chí và không muốn điều đó xảy ra - nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ Trần Công Trục nhấn mạnh.
Ngang ngược và tráo trở
Liên tiếp gần đây, Trung Quốc có một loạt động thái vi phạm ngang ngược và tráo trở đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Cụ thể như thành lập “thành phố Tam Sa”, đưa lực lượng bán quân sự xuống biển Đông và mới nhất là mời thầu quốc tế tại chín lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Được biết, từ ngày 23-6, mạng tiếng Trung và tiếng Anh của CNOOC (Tập đoàn dầu khí Trung Quốc) đã công bố mời thầu 9 lô dầu khí hợp tác thăm dò khai thác trong năm 2012 với các công ty nước ngoài, tổng diện tích của khu vực này là 160.129,38km2. Qua kiểm tra toạ độ do phía Trung Quốc công bố, các lô này nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà PVN đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí từ lâu nay. Đặc biệt, theo công bố của PVN thì 9 lô mà Trung Quốc gọi thầu, nếu tính từ giới hạn phía Tây đến địa phận tỉnh Quảng Ngãi chỉ có 76 hải lý; cách khu vực gần nhất ở phía Bắc Nha Trang chỉ có 60 hải lý; cách vùng giữa Nha Trang và Phan thiết có 57 hải lý và cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) có 30 hải lý - Tức là nằm rất sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Bản đồ vị trí Trung Quốc mời thầu khai thác dầu khí trên vùng biển VN - Đồ họa: N.Khanh |
Việt Nam lên tiếng phản đối mạnh mẽ
Trước hành động phi pháp này của phía Trung Quốc, đại diện Bộ Ngoại giao nước ta đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu và Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã họp báo quốc tế phản đối việc Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. “Chúng ta cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái nói trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở biển Đông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)”.
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng mời các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty dầu khí Trung Quốc, tham gia hợp tác cùng Tập đoàn dầu khí Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982.
Khai thác dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam |
-BBC: Trả lời phỏng vấn BBC ngày 28/6, luật sư Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nói Trung Quốc ngày càng "bộc lộ ý đồ độc chiếm Biển Đông". Ông cho biết dư luận trong nước "đang phẫn nộ rất lớn" sau khi Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mở thầu quốc tế chín lô dầu khí “xâm phạm trắng trợn chủ quyền"... Người Việt dù ở đâu, họ vẫn có lòng tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ chủ quyền. Chắc chắn họ sẽ có tiếng nói để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.
- Thanh niên: Hành động trên của Trung Quốc được Giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia ông Carlyle Thayer nêu ra trong phiên thảo luận về các diễn biến gần đây trên biển Đông. Ông khẳng định rằng các lô dầu khí do CNOOC mời thầu đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Ông Thayer cho rằng, Trung Quốc trả đũa việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển bằng cách mời thầu thăm dò, khai thác tại các lô, "tất cả đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam". Ông cũng cho rằng đây là một hành động chính trị, nhiều hơn là một hành động có tính thương mại. Cùng chung quan điểm, Tiến sỹ Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, cảnh báo, bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong thềm lục địa của Việt Nam đều thấy mức độ rủi ro rất cao và phải "suy nghĩ hai lần" trước khi quyết định.
Việc phía Trung Quốc mời thầu quốc tế tại các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thực chất là để thực hiện hai ý đồ: thứ nhất, biến các vùng biển của Việt Nam mà theo pháp luật quốc tế, hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp, thành vùng biển tranh chấp; thứ hai, mở rộng tranh chấp trên biển giữa hai nước. Việc làm đó nằm trong một loạt hoạt động gần đây của Trung Quốc để thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở biển Đông và làm cho tình hình biển Đông trở nên phức tạp hơn và căng thẳng hơn.
Bạch Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét