"Tôi muốn nghe sự thật chứ không phải đến và mất thời gian để nghe những lời hoa mỹ, không đúng sự thật". Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh như vậy trong buổi tiếp xúc cử tri tại TP.HCM mới đây (23/6/2012).
Trong bộn bề, sôi động của cuộc sống phát triển, với cập nhật thông tin đa chiều của internet, hàng ngày không ít chuyện bức xúc hiện diện trước chúng ta. Có thể kể ra hàng loạt dẫn chứng liên quan tới các lĩnh vực giáo dục - thi cử, giao thông vận tải, ùn tắc đô thị, xăng dầu, điện nước, thủy điện địa phương và các vụ tham nhũng, thất thoát tài sản lớn tại các tập đoàn kinh tế nhà nước...
Bao trùm lên tất cả chính là vấn đề con người, vấn đề công tác cán bộ. Không bao lâu sau khi Ban chấp hành Trung Ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" thì nổ ra vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng - Hải Phòng. Vụ việc này đã vô hình chung cho ta một bức tranh toàn cảnh thu nhỏ về hiện tình công tác cán bộ, và cho thấy vấn đề xây dựng Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 đề cập tới đã thật sự là cấp bách. Chỉ một vụ cưỡng chế đất đối với một gia đình nông dân, có tới 50 cán bộ thuộc nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ cấp xã, huyện đến cấp Phó Chủ tịch UBND thành phố bị kỷ luật vì mắc sai phạm.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri TP.HCM |
Khoan nói đến tài năng, chỉ riêng phẩm chất thì một cán bộ, đảng viên không liêm khiết (không tử tế, không trung thực) thì nói sẽ chẳng ai nghe, chẳng ai tin. Một cán bộ tham nhũng, sống phè phỡn, lợi dụng chức vụ quyền hạn đang nắm giữ để vơ vét cho mình và phe nhóm, để vợ con và người thân lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng đó để trục lợi thì làm sao lại được phép lên giọng giáo huấn người khác. Nếu lại có chút trình độ, chức hàm để lên giọng rao giảng, hùng biện thì đó chỉ là sự hùng biện lố bịch.
Hẳn chúng ta còn nhớ, cuối năm ngoái (2011) dư luận cả nước xôn xao cảm động về việc chị Phạm Thị Lành bán vé số dạo ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp đã trả lô vé trúng số độc đặc hơn 6 tỷ đồng cho anh Tuấn là người mua vé số chịu của chị (nhắn mua trên điện thoại nhưng chưa tới lấy vé và cũng chẳng nhớ số vé mình mua). Có người nói ra nói vào rằng tại sao vợ chồng chị không tráo mấy tờ vé số đó để số trúng thành của mình, chị trả lời: "Tôi nói ngay là trời cho ai nấy hưởng. Không phải của mình thì mình nhận làm gì". Con người lao động chất phác đó, việc làm đó, lời nói đó mới đẹp làm sao, nó nêu gương về sự trung thực, tử tế, về sự nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, nói một cách giản dị nhất. Đơn giản vậy mà sao khó khăn đến thế.
Để ngăn chặn vấn nạn này, ngoài việc yêu cầu nêu gương liêm khiết, trong điểm 5 của Qui định 101 QĐ/TW , đòi hỏi cán bộ, đảng viên: "Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm ". Nếu được phép, sau cụm từ " Chủ động dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm..." xin thêm ba chữ " vì lợi ích chung ".
Vậy nên mới có câu : "Sự thật mạnh hơn muôn lời hùng biện". Còn nếu hỏi dân cần gì, thì chắc người dân sẽ trả lời là cần Sự thật chứ không cần Lời hùng biện.
Mộc Lan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét