Việc phóng thành công vệ tinh VINASAT-2 lên quỹ đạo, tiếp tục ghi dấu một bước tiến mới của Việt Nam trong việc tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng viễn thông quốc gia.
VINASAT- 2 thêm khẳng định chủ quyền không gian của Việt Nam
Sau 4 năm việc phóng vệ tinh VINASAT-1 đã khai thác được 90% dung lượng, đạt doanh thu 240 tỷ đồng (2011). Điều này chứng tỏ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, góp phần thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Đây cũng chính là cơ sở để Chính phủ tiếp tục giao cho Tập đoàn Bưu chính- Viễn thông Việt Nam nhiệm vụ làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện Dự án phóng vệ tinh VINASAT-2.
Đến 5h49’, VINASAT-2 của Việt Nam rời khỏi tên lửa Arian -5, được phóng thành công lên quỹ đạo sau 36 phút bay. Sau thời khắc quan trọng đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Sự kiện phóng thành công vệ tinh VINASAT-2 lên quỹ đạo là bước khởi đầu rất quan trọng cho việc hoạt động và khai thác hiệu quả của vệ tinh. Các dự án VINASAT -1 - VINASAT-2 được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng. Hai dự án này có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội to lớn, thể hiện chủ quyền quốc gia Việt Nam trong không gian, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Vệ tinh VINASAT-2 đã mở ra những cơ hội để ứng dụng tiến bộ khoa học– công nghệ tiên tiến của thế giới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là phục vụ cho vùng sâu, vùng xa và biên giới hải đảo, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, nâng cao năng lực và vị thế của ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ ngành có mặt trong sự kiện này |
Cùng với việc phóng vệ tinh VINASAT-2 sẽ là một bước đi tiếp, quan trọng trên lộ trình thực hiện Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt. Phấn đấu đến 2020, Việt Nam sẽ phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thiết lập hạ tầng viễn thông băng rộng trên phạm vi cả nước, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Với kinh nghiệm quản lý và khai thác 2 quả vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong rằng Tập đoàn VNPT sẽ tiếp tục đi đầu trong nghiên cứu, tập trung phát triển nguồn nhân lực để cùng với các bộ ngành tiến tới đề xuất với Chính phủ phương án phát triển lĩnh vực thông tin vệ tinh trong tương lai.
Bước tiến của ngành CNTT Việt Nam
Vệ tinh VINASAT-2 được sản xuất trên nền tảng khung A2100 với công nghệ hiện đại, có tuổi thọ thiết kế là 15 năm. Tổng trọng lượng của vệ tinh là 2969 kg, kích thước 3 chiều là 4,4 x 1,9 x 1,8 m, sải cánh khi di chuyển trong quỹ đạo là 18,9 m.
Với 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku (24 bộ khai thác thương mại và 6 bộ dự phòng), VINASAT-2 có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận. Dung lượng truyền dẫn của VINASAT- 2 tương đương 13.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.
Tên lửa rời bệ phóng |
Phát biểu tại cuộc họp báo được tổ chức tại Trung tâm Vũ trụ Châu Âu ngay sau khi vệ tinh đi vào quỹ đạo, ông Vũ Tuấn Hùng, Tổng Giám đốc VNPT khẳng định việc phóng vệ tinh VINASAT-2 nhằm hướng đến mục tiêu chiến lược của quốc gia về tăng cường năng lực hạ tầng viễn thông, đáp ứng nhu cầu sử dụng vệ tinh của thị trường trong nước và khu vực; khai thác thiệu quả nguồn tài nguyên tần số và quỹ đạo vệ tinh mà Việt Nam đã đăng ký tại vị trí 131,8 độ Đông.
VINASAT-2 cũng được thiết kế nhằm phục vụ một cách thiết thực, hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
VINASAT-2 sẽ cùng VINASAT-1 tạo thành một hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro giữa các vệ tinh, góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dịch vụ; tăng cường độ an toàn cho mạng viễn thông quốc gia.
Tổng mức đầu tư cho VINASAT-2 là khoảng 280 triệu USD, trong đó 20% là vốn của VNPT, 80% là vốn vay. Thời gian thu hồi vốn dự kiến trong 10 năm.
Sẽ có VINASAT-3?
Sẽ có VINASAT-3?
Cùng với quá trình sản xuất và chuẩn bị phóng vệ tinh VNASAT-2, VNPT cũng đã tích cực chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho việc quản lý, vận hành và khai thác vệ tinh VINASAT-2. Đến nay toàn bộ hệ thống thiết bị tại Đài điều khiển vệ tinh Quế Dương (Hà Nội) đã hoàn thành lắp đặt và sẵn sàng để tiếp nhận việc điều khiển vệ tinh.
Hiện tại, để điều khiển VINASAT-1, luôn có khoảng 20 cán bộ túc trực tại Trung tâm điều khiển và để chuẩn bị cho vệ tinh VINASAT-2, đã có thêm khoảng 10 kỹ sư được tăng cường. Theo ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban quản lí dự án các công trình viễn thông của VNPT về cơ bản số nhân lực trên có thể đáp ứng yêu cầu để điều khiển cả 2 quả vệ tinh. VINASAT-2 có cấu trúc và thiết kế tương đối giống so với VINASAT-1, cùng do Lockheed Martin sản xuất là điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Việt Nam có thể nhanh chóng tiếp cận và làm chủ việc vận hành, khai thác và quản lý vệ tinh này.
Các nhà khoa học nước ngoài chúc mừng đại diện Việt Nam tại trung tâm tên lửa tại Guy-an (Pháp) |
Tại cuộc họp báo công bố sự kiện phóng vệ tinh VINASAT-2 hôm 9.5 vừa qua, ông Phan Hoàng Đức (Phó TGĐ VNPT) cho biết: “Tiếp nối thành công của vệ tinh VINASAT-1, vệ tinh VINASAT-2 sau khi đi vào hoạt động hiệu quả sẽ là nền tảng cơ bản để trong tương không xa, có thể là 3 năm hay 4 năm sau Việt Nam sẽ lại có thêm VINASAT-3”.
Bạch Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét