9/20/2012

Trung Quốc tung chiêu “giết gà dọa khỉ”


Từ Mỹ, EU, Philippines đến Nhật Bản, tất cả các đối tác thương mại đều từng “nếm trái đắng” khi chẳng may động chạm đến quyền lợi của Trung Quốc. Mới đây một chuyên gia Trung Quốc đã kêu gọi trừng phạt kinh tế Nhật.

Việt Nam cũng không phải là quốc gia ngoại lệ, hiện tăng trưởng của nước ta dựa khá nhiều vào Trung Quốc. Cần phải làm gì để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho Việt Nam?

Chiêu “giết gà dọa khỉ”

Tranh chấp chủ quyền tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã dẫn tới làn sóng biểu tình chống Nhật ở nhiều thành phố của Trung Quốc vào cuối tuần qua. Không chỉ nhằm vào các cơ sở ngoại giao Nhật mà còn nhắm tới nhiều cửa hàng, đại lý, tập đoàn điện tử Panasonic, các hãng sản xuất xe hơi Toyota, Honda... Nhiều công ty lớn của Nhật Bản đã tạm thời đóng cửa.

Ông Andy Xie, cựu nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Morgan Stanley cho biết: "Đây là một đòn giáng mạnh nữa vào kinh tế thế giới. Trung Quốc có thể mất đi nguồn vốn FDI đáng kể, tuy nhiên, thiệt hại mà Nhật Bản phải gánh chịu sẽ nặng hơn nhiều khi ôtô đang là điểm sáng của kinh tế nước này".

Giới phân tích cũng cảnh báo các nhà sản xuất của Nhật sẽ chịu tổn thất lớn hơn cả cuộc động đất hồi tháng 3/2011. Cổ phiếu Nissan, nhà sản xuất ôtô lớn nhất nước này (tại thị trường Trung Quốc) mất 5,2% giá trị, thấp nhất kể từ tháng 5/2012. Honda cũng bị tụt 3% và Công ty Fast Retailing (điều hành chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo) giảm 5,9%.
Từ Nhật Bản đến Mỹ, EU đến hay Philippines, tất cả các đối tác thương mại đều từng gánh hậu quả khi chẳng may động chạm đến quyền lợi của Trung Quốc.
Chiêu "giết gà dọa khỉ"
Ông Shaun Rein, chuyên gia phân tích của Tập đoàn nghiên cứu China Market cho biết: “những cuộc biểu tình của người dân Trung Quốc có thể khiến doanh nghiệp Nhật rút khỏi Trung Quốc và mở rộng đầu tư sang Thái Lan hoặc các quốc gia khác chào đón họ". Ông Rein cũng cảnh báo việc này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của Trung Quốc, đồng thời tác động xấu đến thương mại hai nước. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, còn Nhật Bản là thị trường lớn thứ ba của nước này. Vì thế, nếu quan hệ hai nước có tổn hại, thì đôi bên sẽ cùng chịu thiệt, nhất là khi kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng rất ì ạch.

Ngày 8/4, tàu chiến lớn nhất của Philippines đụng độ một đội tàu giám sát Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough (Biển Đông) khi phát hiện nhiều ngư dân nước bạn đang đánh bắt cá ở đây. Chỉ vài tuần sau, Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu chuối từ Philippines. Cho đến ngày 29/5, Trung Quốc mới bắt đầu nhập khẩu trở lại chuối từ Philippines. Tổng thiệt hại lệnh cấm này gây ra cho Philippines ước tính vào khoảng 33,6 triệu USD.

Những hành động kể trên có thể ví là chiêu “giết gà dọa khỉ” mà Trung Quốc thường xuyên áp dụng để “trừng phạt” bất cứ nước nào đụng chạm tới quyền lợi của họ.

Tăng năng lực cạnh tranh

Có vẻ như với bất kỳ ai, Trung Quốc cũng áp dụng chiêu thức “giết gà dọa khỉ” và Việt Nam cũng không là một trường hợp ngoại lệ.
Thông tin đáng chú ý trong tháng 8 vừa qua là việc xuất khẩu hàng hóa của nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc gặp khó khăn, đình trệ. Nguyên nhân theo cơ quan quản lý Việt Nam lý giải là do phía Trung Quốc tăng cường giám sát, chống buôn lậu, tăng cường kiểm tra, kiểm dịch…hay còn gọi là “cấm biên”. Tuy nhiên, những động thái này nhắc dư luận nhớ đến việc cơ quan quản lý Trung Quốc áp đặt, hạn chế lên mặt hàng chuối và một số hàng nông sản khác của Philipines.
Do đó, có thể đây là một chiêu thức mà Trung Quốc sử dùng để trả đũa Việt Nam vì trước đó tại Việt Nam xuất hiện xu hướng tẩy chay hàng Trung Quốc do tình trạng thiếu an toàn và hưởng ứng chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
Hợp tác kinh tế với Trung Quốc là lẽ tự nhiên, do sự gần gũi về địa lý, sự tương đồng về cơ cấu kinh tế, những sự thiếu hụt hay dư thừa về một số chủng loại nguyên, nhiên vật liệu, hàng hóa ở cả 2 nước cần có giao thương, trao đổi để bù đắp và cũng đã đem đến những hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, đã có những cảnh báo và bài học thực tiễn từ các nước, vì xét về phương diện quan hệ hợp tác kinh tế thương mại nhiều mặt hai nước, Việt Nam hiện đang nhập siêu lớn từ Trung Quốc. Số liệu xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương, 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc đã lên tới 8 tỷ USD. Do đó cần sớm có những điều chỉnh hợp lý để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho Việt Nam. Bởi sự không tương xứng trong quan hệ thương mại hai bên sẽ đi liền với rất nhiều rủi ro.
Tuy đã khá muộn, nhưng không thể chậm trễ hơn nữa, Việt Nam cần đẩy nhanh việc nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam để thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc và thâm nhập được vào thị truờng rộng lớn này. Điều này đòi hỏi sự xem xét toàn diện, kĩ lưỡng của tất cả các bộ ngành liên quan, với các chính sách điều chỉnh phù hợp, để thương mại Việt Nam ngang hàng với đối tác láng giềng khổng lồ.

Theo số liệu xuất nhập khẩu 6 tháng của Tổng cục Hải Quan, Năm 2007, nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam là 9,145 tỷ USD. Năm 2008 tăng vọt lên con số 11,16 tỷ USD. Năm 2009, con số này đã tăng tiếp lên 11,532 tỷ USD. Năm 2010, nhập siêu từ Trung Quốc đã nâng lên mức báo động đỏ: ước 12,6 tỷ USD, bằng 105% mức nhập siêu cả năm (12 tỷ USD) của Việt Nam. Năm 2011, nhập siêu từ Trung Quốc đã lên đến 13,5 tỷ USD.
Như vậy, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc đã lên tới 8 tỷ USD.

Bạch Dương


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger