Không bao lâu sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển hôm thứ 5 (21/6), phía Trung Quốc liên tiếp có những động thái gây hấn để phản đối luật biển của Việt Nam, bằng việc tuyên bố thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa”(trước đó, quyết định thành lập Tam Sa từng châm ngòi cho các vụ biểu tình tại Việt Nam năm 2007). Đồng thời, Tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc vừa tung ra một chiêu hiểm mới, mở game “hành động liên hợp Nam Hải (biển Đông)”. Nguy hiểm ở chỗ, bằng hình thức game online, Hoàn Cầu thời báo đang tiêm nhiễm vào nhận thức của một bộ phận người chơi về những cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với nhiều lời lẽ mang tính kích động thù hằn dân tộc.
Phản ứng từ phía Việt Nam
Với việc làm ngang ngược của Quốc vụ viện Trung Quốc khi phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam trực tiếp quản lý ba quần đảo, trong đó gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa, lãnh thổ bất khả xâm phạm của Việt Nam, là không đúng với các phương châm "16 chữ vàng" mà phía Trung Quốc thường trang trọng nhắc đến mỗi khi cần nói đến mối quan hệ Việt - Trung. Việc làm ngang ngược này đã trực tiếp làm hoen ố những “chữ vàng” thường được lãnh đạo Trung Quốc nhắc nhở và khó tránh được sự phê phán của dư luận thế giới. Thái độ ngoại giao mềm mỏng một đằng, việc làm độc đoán một nẻo của các lãnh đạo Trung Quốc trong trường hợp này chính là "Xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hỉ nhân”.
Quân dân huyện đảo Trường Sa luôn đoàn kết, vượt mọi gian khó, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc |
Phản ứng từ các nước khác
Trang mạng của nhật báo kinh tế Sankei Shimbun dẫn lời ông Rommel C. Banlaoi – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khủng bố, Bạo lực và Hòa bình (PIPVTR) của Philippines: đã chỉ trích Trung Quốc thành lập cái gọi là 'thành phố Tam Sa'. Trung Quốc không đếm xỉa luật biển quốc tế, trong đó chỉ rõ quyền lợi và quy định liên quan đến vấn đề hải phận; càng khiến khu vực căng thẳng, đi ngược chủ trương giải quyết hòa bình các vấn đề chủ quyền.
Tranh cãi chủ quyền ở biển Đông chưa tìm ra hướng giải quyết bởi nhiều nguyên nhân. Giáo sư danh dự Paul Dibb thuộc ĐH Quốc gia Australia nhận định: “Vấn đề chính là ở chỗ Trung Quốc không thừa nhận luật biển quốc tế”.
Ngoài ra, ông Dibb lưu ý là trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước liên quan, Bắc Kinh chưa từng ký kết hiệp định đề phòng sự cố trên không và trên biển giống như Liên Xô ký năm 1972 và Trung Quốc cũng không tỏ ra quan tâm đến vấn đề này.
Bạch Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét