6/11/2012

Đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giúp nông dân thoát “thương lái lừa Trung Quốc”


Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra tình trạng  thương lái Trung Quốc đặt mua hàng khối lượng lớn nhưng rồi "một đi không trở lại", hay lúc đầu cố tình đẩy giá mua lên cao để kêu gọi đại lý gom hàng, đến khi các đại lý gom hàng số lượng lớn thì bỏ đi hay tìm cách ép giá...Khiến nông dân Việt Nam ở nhiều vùng lâm vào  cảnh bi đát

Chiêu tạo lòng tin để lừa đảo của thương lái Trung Quốc

Những chiêu thức như thế được các thương lái Trung Quốc áp dụng liên tục. Đầu tiên là nông sản buôn bán tiểu ngạch qua biên giới; rồi họ lấn dần vào tận Năm Căn - Cà Mau mua cua, sầu riêng Tam Bình (Tiền Giang), khoai lang Bình Tân (Vĩnh Long), khóm ở Tân Phước (Tiền Giang). Nay thương lái Trung Quốc tiếp tục "ra chiêu" với âm mưu muốn thôn tính luôn thạch dừa Bến Tre...
Cần nhắc lại những thương vụ khó hiểu của thương lái Trung Quốc mà ai cũng phải đặt vấn đề “có gì đó bất thường”. Những năm 1997-1998, thương lái Trung Quốc sang Việt Nam mua mèo với giá cao, hậu quả là mèo gần như biến mất, nông dân phía Bắc phải chịu đại dịch chuột hoành hành, ảnh hưởng nặng đến mùa màng. Đến năm 2002-2003, thương lái Trung Quốc lại giở chiêu trò mua móng trâu với giá cao, gây ảnh hưởng nặng đến sức kéo của bà con nông dân nghèo phía Bắc...Còn nhiều nữa những phi vụ khó hiểu, bất thường do thương lái Trung Quốc gây ra. 
Thương lái Trung Quốc ung dung “chỉ đạo” thu mua cá tươi tại Nha Trang
Làm sao tránh” thương lái lừa” 

Chính phủ, Chính quyền địa phương 

- Người dân đang bức xúc, phải làm gì đó để chặn đứng, ngăn ngừa những câu chuyện bất thường từ một số thương lái Trung Quốc. Chúng ta không nghĩ đến chuyện cấm cản khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Nhưng mở cửa cũng không có nghĩa là mở toang, mà tất cả đều phải tuân theo pháp luật, đó là những gì chúng ta đã cam kết với thế giới. Người dân hoan nghênh những thương nhân nước ngoài làm ăn theo đúng pháp luật Việt Nam, nhưng họ cũng muốn nhanh chóng phải loại bỏ những người làm ăn chụp giật, lừa đảo; những kẻ thiếu đạo đức kinh doanh, kiếm tiền hoặc làm giàu từ hoạt động bất chính.

- Nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, người dân vẫn tự lo đầu vào và đầu ra. Với đầu ra, hàng hóa hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái thì đâu cứ thương lái nước ngoài mới ép giá mà thương lái trong nước cũng vậy. Không thể trách nông dân vì sau bao ngày chăm sóc ai cũng muốn bán sản phẩm của mình với giá cao nhất, nhanh nhất. Một khi nhà máy chế biến nông sản trong nước không bắt tay liên kết với nông dân để xây dựng vùng trồng, bao tiêu đầu ra với giá cả hợp lý thì đừng nên trách sao nông dân bán cho thương lái Trung Quốc trong khi nhà máy mua không đủ nguyên liệu chế biến. Nếu không có ràng buộc thì bán cho ai cũng là bán, tất nhiên người dân sẽ chọn người trả giá cao hơn.
thương lái Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam trộn gạo trắng thường với gạo
 thơm theo tỉ lệ 50:50 rồi mua về nước bán với mác gạo thơm 
- Hệ thống luật pháp của chúng ta không thiếu hoặc lỏng lẻo đến mức không thể trị được những thương nhân nước ngoài làm ăn chụp giật. Vấn đề là phải nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương. Nếu quản lý đúng pháp luật thì chẳng ai có thể liên tục lừa lọc. Chắc chắn khi các cơ quan chức năng sâu sát, cảnh giác và kiên quyết hơn, mọi người dân sẽ cộng tác để cùng vạch mặt những thương nhân nước ngoài không tuân thủ luật pháp. Ngay lúc này, hệ thống khuyến nông cũng sớm vào cuộc để tư vấn, trang bị cho nông dân những kiến thức cần thiết, giúp họ trở thành người đầu tiên phát hiện những “chiêu, trò” lừa đảo của một số thương nhân bất chính.

- Việc quản lý cách thức thanh toán trong hoạt động XNK còn thiếu chặt chẽ, nhiều kẽ hở trong hoạt động thương mại của nông dân và chủ đại lý Việt Nam với thương nhân Trung Quốc. Vì vậy, các ngành chức năng địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc thu mua hàng hóa “bất thường” này. Đồng thời, cần có sự liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng nhằm giữ giá ổn định, tránh tranh mua giành bán. Để quản lý hoạt động thu mua nông, thủy sản tốt, các cơ quan chức năng và DN phải nghiêm chỉnh thực hiện nghiêm túc Quyết định 80 của Chính phủ thông qua các hợp đồng để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông, thủy sản ở ĐBSCL.

- Không thể coi việc thương lái Trung Quốc đến tận ruộng Việt Nam mua gom nông sản rồi đưa về nước trong một thời gian dài là điều bình thường trong thương mại tự do. Càng không thể coi hàng loạt vụ quỵt nợ khi thương lái Trung Quốc lật kèo, hoặc một đi không trở lại để người dân lãnh mọi hậu quả là cái giá phải trả khi trước đó chính họ đổ xô đi trồng.

- Trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương ở đâu khi họ để thương lái Trung Quốc tùy tiện buôn bán trên địa bàn mà họ quản lý? Bên cạnh chính quyền, tại các địa phương đều có nhiều tổ chức gắn liền với người dân như hội nông dân, hội làm vườn...nhưng các hội này chưa phát huy vai trò khuyến cáo hay hỗ trợ nông dân.

- Đến nay, chính quyền địa phương nơi có thương lái Trung Quốc đến mua gom nông sản vẫn chỉ dừng lại ở mức độ khuyến cáo bà con nông dân cảnh giác trong buôn bán với thương lái nước ngoài. Cách làm này từ trước đến nay đều không có tác dụng, không kiểm soát được người mua là ai thì khi xảy ra tranh chấp người dân phải lãnh hết hậu quả. Tất nhiên, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cũng khó có thể giúp từng nông dân riêng lẻ trong việc ký hợp đồng buôn bán với thương lái. Nhiều nông dân của Việt Nam  còn chưa đọc thông viết thạo thì làm sao có đủ khả năng đàm phán hợp đồng. Do đó, rất cần thiết phải tổ chức lại sản xuất, liên kết nông dân vào các tổ chức hợp tác xã kiểu mới để tổ chức này đại diện cho nông dân đàm phán hợp đồng với các đối tác. Từ nhu cầu của khách hàng, hợp tác xã sẽ triển khai đến các xã viên để sản xuất theo hợp đồng. Có như vậy, sản phẩm của người dân làm ra được bao tiêu với giá cả hợp lý và quyền lợi của nông dân mới được đảm bảo trong trường hợp có tranh chấp.

- Để tránh những chuyện đáng tiếc lặp lại, chính quyền địa phương cần phải kiểm soát được những thương lái nước ngoài để buộc họ làm ăn theo đúng pháp luật Việt Nam, đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng và hạn chế rủi ro cho nông dân. Các tổ chức đoàn thể tại địa phương phải góp sức khuyến cáo bà con nên buôn bán có hợp đồng, không chạy theo phong trào để rồi tiền mất tật mang.

Nông dân 

Việc giữ thị trường Trung Quốc là rất cần thiết, tăng cường làm ăn với thương nhân Trung Quốc cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, khi làm ăn với Trung Quốc, Nông dân Việt Nam phải luôn "cảnh giác”, "cẩn thận” ở trong đầu là không thừa chút nào. Không nên cả tin, chạy theo lợi nhuận trước mắt, để rồi bị mắc bẫy của thương lái Trung Quốc. Nếu khi giao dịch mua bán không chịu làm hợp đồng rõ ràng cụ thể, không tìm hiểu kỹ nguồn gốc, địa chỉ của đối tác phía Trung Quốc, cuối cùng gánh chịu nhiều thiệt hại.

Bạch Dương 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger