Nhiều cử tri TP. Hồ Chí Minh bày tỏ bức xúc và đề nghị Quốc hội thể hiện vai trò trong việc yêu cầu kiểm điểm cá nhân các thành viên Chính phủ, trực tiếp là các Bộ trưởng có liên quan đến việc bổ nhiệm sai cán bộ, trước việc hàng chục ngàn tỷ đồng bị các tổng công ty, tập đoàn nhà nước làm thất thoát, lãng phí trong thời gian qua…
Ngày 25-6, tổ ĐBQH – đơn vị số 1, gồm: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Trần Du Lịch và đại biểu Hoàng Hữu Phước đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 1 và quận 3 (TP. Hồ Chí Minh) để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3, QH khóa XIII, nghe các ý kiến góp ý của cử tri.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri TP. Hồ Chí Minh |
Yêu cầu kiểm điểm trước nhân dân những sai phạm
Tại các buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ bức xúc về việc các quyền và lợi ích của dân ngày càng bị "bỏ rơi”. Cử tri Trần Đăng Tâm (P. Đa Kao, Q.1) yêu cầu các bộ, ngành liên quan đến thất thoát ngân sách phải đứng ra chịu trách nhiệm và cần thiết phải kiểm điểm cá nhân trước nhân dân. Một loạt các tập đoàn kinh tế nhà nước điển hình là Vinalines, Vinashin,… đã làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy cá nhân đứng ra chịu trách nhiệm. Hoặc như thực tế lãnh đạo, cán bộ các ngân hàng thương mại không cần phải tham nhũng cũng có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm,…, "Người dân bất bình vì toàn dân phải gánh nợ, điều này thật không công bằng”.
Cử tri Huỳnh Công Thành (P. Cô Giang, Q.1) phản ánh, hiện nay có 3 loại cán bộ khiến dân "khốn khổ”, gồm: cán bộ nói ít làm nhiều, thích ăn sung mặc sướng; cán bộ tham chức tham quyền, dùng tiền mua chức; và loại cán bộ "giỏi ăn giỏi nói, giỏi gói mang về”. Cử tri Thành chỉ ra hàng loạt những "khốn khổ”, của dân khi bị "hành” đủ loại thủ tục hành chính khi buộc phải tới làm việc với chính quyền; đăng ký kinh doanh, buôn bán,…
Cử tri Nguyễn Thị Hiển Nhân (P. Bến Thành, Q.1) đề nghị Quốc hội tăng nặng hình phạt đối với các tội phạm về tham nhũng, tham ô, nhũng nhiễu người dân, thậm chí tử hình đối với các tội phạm tham nhũng về kinh tế, gây thất thoát hàng ngàn tỷ như thời gian vừa qua. Cử tri Lê Thanh Bình (P. Bến Thành, Q.1) phản ánh những phát biểu thiếu trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GT-VT trước báo giới, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước nhân dân. "Ông ấy nói đóng phí thể hiện lòng yêu nước của người dân. Cái này là vô cùng sai lệch về tư tưởng”.
Nhiều cử tri cũng bày tỏ bức xúc về cơ chế bổ nhiệm cán bộ và thu – chi ngân sách nhà nước, dẫn tới thất thoát hàng ngàn tỷ đồng tiền bạc của đất nước, của nhân dân. Cử tri đề nghị Quốc hội, với vai trò của mình cần quyết liệt yêu cầu điều tra, mạnh tay xử lý những tiêu cực, đặc biệt là các "nhóm lợi ích” đang "bào mòn” lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Nhà nước.
Nhiều ý kiến cử tri cũng phản ánh thực trạng lãi suất huy động tiền gửi và lãi suất cho vay của các ngân hàng đang khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đáng lưu tâm, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đứng trên bờ vực phá sản do thiếu vốn. Một số ý kiến cử tri yêu cầu Nhà nước cần chặt chẽ hơn trong việc quản lý người nước ngoài nhập cư trái phép thông qua vụ việc một số người Trung Quốc đã nuôi cá bè nhiều năm trên vịnh Cam Ranh, Vũng Rô mà chính quyền không hề hay biết.
Trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến xử lý tham nhũng, thất thoát ngân sách, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Hội nghị kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 tới đây sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân của Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Đặc biệt, liên quan đến các thất thoát lớn tài sản của Nhà nước sẽ được làm rõ và có các hình thức kỷ luật, xử lý trách nhiệm liên quan phù hợp.
Theo Chủ tịch nước, thời gian qua Trung ương nhận thấy việc tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng có phần không thích hợp nên đã thay đổi lại cơ quan chỉ đạo. Theo đó, Ðảng trực tiếp nắm giữ thẩm quyền chỉ đạo, điều hành và Tổng Bí thư là người đứng đầu bộ máy phòng chống tham nhũng. Do đó, Quốc hội đề nghị cử tri, cán bộ, đảng viên, nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm đóng góp vào công cuộc phòng chống tham nhũng để trong sạch hóa bộ máy. "Thời gian qua người dân, cử tri phản ánh về "cán bộ hư hỏng” rất nhiều. Về cơ bản thì mọi đại biểu của dân đều phải được bỏ phiếu tín nhiệm. Trong thời gian tới, các đảng viên, cấp ủy sẽ tiến hành kiểm điểm và bỏ phiếu tín nhiệm; đồng thời những chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng sẽ thực hiện chức năng này. Trước đây trong Luật tổ chức Quốc hội có một qui định là 20% đại biểu Quốc hội có ý kiến mới bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, tới kỳ họp Quốc hội lần này đã sửa lại, và không chờ đến 20% mới bỏ phiếu tín nhiệm.
Xoay quanh ý kiến cử tri về Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng, Chủ tịch nước cho biết, Bộ trưởng đã nhận lỗi trước Quốc hội về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng (nguyên cựu lãnh đạo Vinalines). Theo Chủ tịch nước, trách nhiệm của người bổ nhiệm trong trường hợp này là đánh giá sai con người. Do đó, đương nhiên người ký quyết định bổ nhiệm trường hợp như thế cũng phải chịu trách nhiệm. Chủ tịch nước cũng khẳng định, không chỉ riêng Bộ GT-VT mà mọi vấn đề cử tri phản ánh liên quan đến trách nhiệm của các thành viên Chính phủ sẽ được Quốc hội xem xét, quy trách nhiệm vào kỳ họp cuối năm nay.
Về nâng cao vai trò giám sát của bộ máy chính quyền ở cơ sở, Chủ tịch nước yêu cầu cán bộ cơ sở và người dân cần mạnh dạn hơn trong việc phản ánh các tiêu cực. "Cử tri cần hỏi nhiều hơn, chất vấn nhiều hơn vì chúng tôi (Tổ ĐBQH) có đọc rất nhiều các văn bản nhân dân gửi, nhưng không thấy có phản ánh gì mạnh mẽ, trong khi phát biểu miệng thì nói rất nhiều vấn đề. Từ vấn đề này, tôi đề nghị cần phải thẳng thắn, mạnh mẽ hơn nữa trong đấu tranh chống tiêu cực.
THÀNH LUÂN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét