5/28/2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay


Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần chủ động tiếp xúc, lắng nghe các phản hồi về chính sách từ các doanh nghiệp để có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng tồn kho, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên trong 2-3 tháng tới để giúp các doanh nghiệp sớm trở lại trạng thái kinh doanh bình thường. Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại  phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2012.

Hỗ trợ doanh nghiệp đi đôi với kiềm chế lạm phát 

Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, tháng 5 năm nay tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục đà chuyển biến tích cực, việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đến tháng 5 là thành công; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm…Tuy nhiên, kinh tế trong nước nổi lên một số khó khăn cần giải quyết như: Tăng trưởng kinh tế thấp. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,2% thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (là mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm qua), hàng tồn kho giảm chậm. Mặt bằng lãi suất tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Trong đầu tư phát triển, cả khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều phát triển chưa mạnh. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng. Thu ngân sách Nhà nước 5 tháng ước đạt 39,3%, khá thấp so với cùng kỳ năm trước”.
Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2012
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Chính phủ nhất trí cho rằng phải triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt và có hiệu quả các giải pháp, chính sách đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để từng bước hạ lãi suất tín dụng, giải quyết nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho, kích thích tổng cầu của nền kinh tế, tạo sự lưu thông nhịp nhàng tiền- hàng trong nền kinh tế, đồng thời luôn nhất quán thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. 

Đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA. Coi đây là biện pháp hiệu quả để tăng tổng cầu giúp tháo gỡ một phần hàng tồn kho của các doanh nghiệp. 

Triển khai thực hiện các biện pháp để huy động bổ sung nguồn vốn đầu tư hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn (góp phần tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng tồn kho). Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với những mặt hàng có thế mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, phải kiên định thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2012 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh phải đi đôi với giữ vững mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất cả huy động và cho vay theo mức giảm của lạm phát gắn với cơ chế để buộc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay.

Thủ tướng chỉ đạo: Xử lý nghiêm những sai phạm ở Vinalines

Cùng ngày, tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, sai phạm tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, đối với một quốc gia biển như Việt Nam, việc phát triển ngành công nghiệp vận tải biển là rất quan trọng. Việc cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ mua ụ nổi No83M của Vinalines là trái với chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đầu tư. Vụ việc này đã được các cơ quan chức năng điều tra, khởi tố vụ án, bị can và đã thi hành biện pháp ngăn chặn đặc biệt.
Thủ tướng chỉ đạo: Xử lý nghiêm những sai phạm ở Vinalines
Khi được cơ quan công an báo cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương đã có văn bản chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công an và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (cũng là các thành viên trong Ban chỉ đạo) cùng tiến hành những biện pháp tham gia xử lý vi phạm. Các sai phạm đang được phía cơ quan điều tra làm rõ, trách nhiệm liên quan đến ai, đến cơ quan nào sẽ được điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng như việc Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines) vào vị trí Cục trưởng Cục Hàng hải, tất cả đều được thực hiện đúng thẩm quyền và đúng với quy trình theo quy định về bổ nhiệm cán bộ. Tại thời điểm Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị ông Dũng thôi chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn để bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải là vào tháng 12/2011 và Bộ Nội vụ có văn bản thẩm định vào tháng 1/2012. Các sự kiện này đều diễn ra trước thời điểm phía thanh tra có dự thảo về Kết luận thanh tra.

Cũng theo Bộ trưởng, không có quy định nào nói rằng, khi một doanh nghiệp và một đơn vị đang bị thanh tra thì không được có những quyết định bổ nhiệm mới do công việc thanh tra là công việc hằng năm, công việc bình thường.

Bách Thảo 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger