5/19/2012

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khắc phục hậu quả vụ tai nạn ở Đắk Lắk

Công điện của Thủ tướng Chính phủ

Ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 659/CĐ-TTg về việc xử lý vụ tai nạn xe khách đặc biệt nghiêm trọng tại cầu bắc qua sông Serepok trên quốc lộ 14 thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk.

Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông và gửi lời thăm hỏi đến những người bị nạn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương cấp cứu người bị nạn, thăm hỏi gia đình có người chết và tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk có các giải pháp khắc phục sự cố cầu Serepok, bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến đường này và tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động vận tải bằng xe khách, tránh xảy ra tai nạn tương tự. 
Chiếc xe được trục vớt lên bờ lúc 4h30 ngày 18/5
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương điều tra làm rõ vụ tai nạn giao thông trên. 

Nguyên nhân tai nạn bước đầu hé lộ 

Ngày 17/5/2012, tại cầu Serepok (Km733+900) Quốc lộ 14, thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng làm 37 người bị chết và 21 người bị thương.

Theo thông tin ban đầu, tối 17/5, chiếc xe khách của Hợp tác xã vận tải Quyết Thắng (trụ sở tại thôn Tân Lập, xã Hòa Đông, huyện Krông Păc, Đăk Lăk) xuất phát từ huyện Krông Păc đi về TP.HCM. Khoảng 22h, xe đến cầu Sêrêpôk đã bất ngờ lao vào lan can, rồi lao xuống sông Sêrêpốk với độ cao gần 20 m. Tai nạn làm 34 người tử vong, khoảng 20 người khác bị thương. Trong số những người tử nạn có 2 lái xe là Phạm Ngọc Lân (SN 1970, ngụ Khánh Hòa), Lê Công Bằng (ngụ Đắk Lắk) và 1 phụ xe là chị Mai Thị Thanh (SN 1990, ngụ Đắk Lắk).

Tại hiện trường, xe bẹp dúm, chìm dưới nước. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tích cực tham gia cứu hộ nhưng do trời tối, khoảng cách giữa cầu và vị trí xe nằm cách xa nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng cứu hộ đưa xác các nạn nhân ra ngoài
Đến 2 giờ sáng các nạn nhân đã được đưa hết ra ngoài và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk. 4 giờ 30 phút chiếc xe mới được cẩu lên bờ.

Ông Y Bliu Arul, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Sau khi nhận được tin báo về vụ tai nạn, chúng tôi tức tốc điều động xuống hiện trường 3 xe cứu thương, 3 kíp trực cấp cứu ngoại viện; có 6 bác sỹ được huy động từ các Khoa ngoại thần kinh, Khoa chấn thương, Khoa ngoại tổng quát, Khoa X- quang, Khoa điều dưỡng; 1 Kỹ thuật viên Khoa X- quang; 6 điều dưỡng; 2 học sinh cùng hỗ trợ, phối hợp với các bác sỹ, y tá Khoa cấp cứu nhằm cấp cứu các nạn nhân kịp thời nhất".

Tại nhà xác Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk, xác các nạn nhân xấu số nằm kín sàn nhà; giấy tờ tùy thân, trang sức, tiền bạc nạn nhân được để lên ngực. Hàng trăm người thân gào khóc thảm thiết bên thi thể các nạn nhân.
Có ít nhất 36 người tử vong sau vụ tai nạn
Anh Nguyễn Văn Khánh (24 tuổi, xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) - người thoát chết trong gang tấc, mặt mày tím tái, kể lại: “Trên xe trước lúc gặp tai nạn số ghế đều kín chỗ, tôi cùng 2 người khác nằm giữa sàn. Khi xảy ra tai nạn, mọi người trên xe đều ngủ say. Lúc đó, bỗng tôi nghe một tiếng va đập vang trời, rồi tiếng người ta hét thất thanh. Tôi bị mắc kẹt dưới sàn, nước ập vào, một lúc sau tôi chui ra được ngoài".
Nỗi đau mất người thân
Nguyên nhân vụ tai nạn bước đầu được xác định có thể do, 2 xe máy rượt đuổi nhau, lạng lách qua đầu xe tải khiến tài xế phải phanh gấp để né tránh, nên xe đâm gãy lan can cầu Serepok, rơi xuống sông.


Bách Thảo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger