5/14/2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tăng cường quản lý giá thuốc chữa bệnh

Quản lý và kiểm soát chặt chẽ giá thuốc

Thị trường dược phẩm Việt Nam đang ngày càng phát triển, hiện có 22 nghìn mặt hàng với hơn 1.500 hoạt chất đã cơ bản đáp ứng đủ thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Cùng với sự phát triển đó, vấn đề giá thuốc luôn nhận được sự quan tâm của xã hội vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người cần thuốc để điều trị bệnh. 

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Nghị quyết 12/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 4/2012. Trong đó yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại quy hoạch các bệnh viện vùng, đề xuất hướng sắp xếp lại các bệnh viện này một cách phù hợp, tránh đầu tư và bố trí một cách dàn trải, bất hợp lý dẫn đến lãng phí; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ đề án giảm tải các bệnh viện tuyến trên; phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương triển khai có hiệu quả việc phòng chống các loại dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý và kiểm soát chặt chẽ giá thuốc chữa bệnh...
Quản lý và kiểm soát chặt chẽ giá thuốc
Sớm triển khai thí điểm quản lý giá thuốc 

Theo số liệu khảo sát hằng tháng của Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam cho thấy số lượng thuốc có điều chỉnh tăng giá chiếm tỷ lệ thấp. Còn theo báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước, thị trường dược phẩm bốn tháng đầu năm tiếp tục được duy trì bình ổn, không xảy ra tăng giá đột biến, bất hợp lý. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, giá thuốc chữa bệnh vẫn ở mức cao; dù không xảy ra tăng giá đột biến, nhưng trên thị trường vẫn có nhiều loại thuốc tăng giá... Ðiều đó đòi hỏi công tác quản lý nhà nước cần được tăng cường hơn nữa để thị trường thuốc phát triển lành mạnh, giúp người bệnh mua thuốc đúng với giá trị thật của nó.

Nguyên tắc quản lý về giá thuốc hiện nay là, các cơ sở kinh doanh thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều lỗ hổng ngay ở khâu kê khai giá. Khi mà giá một viên thuốc chưa được thực kê đúng thì phần thiệt thòi thuộc về người sử dụng. Sự minh bạch đầu vào, đầu ra của viên thuốc vẫn chưa rõ ràng. 

Ðối với thuốc nước ngoài được quy định kê khai giá CIF dự kiến nhập khẩu đến cảng Việt Nam, nhưng trước khi kê khai với các cơ quan quản lý đã bị "làm" từ nước ngoài để đẩy lên cao. Trong khi đó chưa có cơ chế trong việc đối chiếu với giá thuốc ở nước ngoài. Vì vậy, cần sớm bỏ quy định việc kê khai, kê khai lại giá thuốc không cao hơn giá tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam.

Theo quy định của Luật Dược, Bộ Y tế được giao chủ trì, phối hợp các bộ: Tài chính, Công thương, Kế hoạch và Ðầu tư và các cơ quan liên quan thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc. Nhưng việc chỉ giao một bộ làm đầu mối mà không phân công nhiệm vụ cụ thể giữa các bộ, ngành làm cho quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Thực tế đó đòi hỏi cần phân công cụ thể, rõ ràng của các đơn vị để tăng cường tính hiệu quả của công tác quản lý giá.

Theo ý kiến của các chuyên gia, không nên xây dựng giá tối đa cho từng mặt hàng thuốc, vì với một thị trường có 22 nghìn mặt hàng với hơn 1.500 hoạt chất; mỗi hoạt chất có nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, nhà sản xuất, nước sản xuất khác nhau... thì điều đó không khả thi, không có cơ sở xác định chính xác mà còn có thể làm giá thuốc tăng, xáo trộn thị trường.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần siết chặt việc đấu thầu thuốc vào các cơ sở khám, chữa bệnh, nơi tiêu thụ phần lớn (từ 70 đến 80%) số thuốc hiện nay. Ðồng thời sớm triển khai thí điểm quản lý giá thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả theo phương pháp thặng số tối đa toàn chặng (là quy định khung giá mà các cơ sở khám, chữa bệnh đấu thầu mua thuốc không được vượt qua). Làm được điều đó sẽ cắt đứt sự lòng vòng, đẩy giá lên cao của những viên thuốc trước khi đến tay người sử dụng.

Bách Thảo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger