Trước tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, đông người tăng cao dễ dẫn đến mất ổn định chính trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu giải quyết dứt điểm hơn 528 vụ khiếu kiện tồn đọng trong cả nước, bởi “nếu chủ quan, coi thường, không tập trung giải quyết dứt điểm thì đây sẽ là những mầm mống dẫn tới bất ổn an ninh chính trị thời gian tới”.
Không được dùng vũ khí
Phát biểu chỉ đạo hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày 2/5. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ, khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm phần lớn (hơn 70%). Tuy nhiên, vì vấn đề phát triển của đất nước nên việc thu hồi đất vẫn được thực hiện nhưng mọi việc phải diễn ra đúng luật, đúng quy hoạch. Đồng thời phải hạn chế tối đa việc khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự. “Lãnh đạo các tỉnh phải lên hồ sơ chi tiết từng vụ việc một, lập cả hội đồng thẩm định tư vấn, mời đại diện MTTQ VN, các đoàn thể, luật sư thẩm định các phương án đã giải quyết, nếu thấy chính quyền đã xử lý sai thì phải nhận lỗi và sửa, nếu giải quyết đúng rồi nhưng xem xét thấy người dân còn quá khó khăn, thì phải có phương án hỗ trợ bằng chính sách xã hội”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị |
Với các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng đề nghị phải lập những tổ công tác, xuống cùng địa phương nghiên cứu kỹ, thẩm định lại các phương án đã giải quyết xem thấu tình đạt lý chưa, vụ việc nào xử lý chưa đúng thì phải trao đổi để giải quyết lại cho đúng, nếu đúng rồi thì thống nhất cách giải quyết. “Từ giờ đến cuối năm giải quyết được các vụ tồn đọng và phải công khai hết toàn bộ quy trình giải quyết các vụ khiếu kiện tồn đọng này. Chúng ta phải làm hết tấm lòng, hết trách nhiệm với nhân dân để tuyệt đại đa số bà con đồng tình là cái tốt nhất, còn trường hợp giải quyết đúng rồi nhưng còn một số người không chấp nhận, bị đối tượng xấu lợi dụng kích động cũng phải thuyết phục, làm hết cách, không được nữa thì vì lợi ích chung của xã hội phải tiến hành cưỡng chế”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý “trong các vụ việc, khi đã làm hết cách vận động, tuyên truyền, thuyết phục mà một số ít người dân vẫn cố tình không chấp hành mới buộc phải cưỡng chế. Cưỡng chế cũng phải đúng phương án, phù hợp quy định pháp luật với tinh thần không dùng vũ khí, không được để xảy ra chết người, không được dùng quân đội vào cưỡng chế”.
Vụ cưỡng chế ở Văn Giang có sự móc nối giữa các phần tử chống đối
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đã báo cáo Thủ tướng vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở huyện Văn Giang. Nói về bài học rút ra sau vụ việc, Phó chủ tịch Hưng Yên đưa ra nguyên tắc "phát huy dân chủ phải đi liền với kỷ cương pháp luật".
“Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ giữa các phần tử chống đối trong và ngoài nước. Các thông tin, thậm chí được tường thuật tại chỗ, từng giờ để tuyên truyền, xuyên tạc, dàn dựng lên các video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền”.
Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào |
Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên cho biết, việc cưỡng chế ngày 24/4, nhằm hoàn tất bàn giao 72 ha đợt 2 cho chủ đầu tư. Trong đó, 5,8 ha của 166 hộ chưa nhận tiền đền bù là "phải cưỡng chế". Dưới sự chỉ đạo của cả Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và sự hỗ trợ của 1.000 người thuộc các lực lượng "Đã thực hiện tốt các phương án đề ra, đảm bảo an toàn, không ai bị thương". Việc bắt giữ 19 người ngay trong ngày cưỡng chế vì họ "đã có hành vi quá khích, chống trả người thực thi nhiệm vụ". Hiện, 5 người còn bị tạm giữ và 9 "đối tượng cầm đầu", "nhiều năm gây rối" đã bỏ trốn trước ngày cưỡng chế.
Bạch Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét